Tiết độ sứ Thành Đức Điền_Hoằng_Chánh

Năm 820, hoàng thượng băng hà. Thái tử Hằng nối ngôi, xưng là Mục Tông hoàng đế (820 - 824). Đến mùa đông cùng năm, Trấn châu Vương Thừa Tông ưu tử. Do hai con của Thừa Tông đang làm con tin tại triều, quân trung ủng hộ em trai ông ta là Vương Thừa Nguyên làm Tiết độ lưu hậu; nhưng Thừa Nguyên từ chối và dâng biểu lên triều đình xin cử người khác tới. Vua Mục Tông hạ chiếu: dời Vương Thừa Nguyên làm Tiết độ sứ Nghĩa Thành, đổi Điền Hoằng Chánh làm Kiểm giáo Tư đồ, kiêm Trung thư lệnh, TRấn châu đại đô đốc phủ trưởng sử, Thành Đức quân tiết độ sứ, Trấn Ký Thâm Triệu đẳng quan sát sứ, cai trị sáu châu ở Thành Đức, tướng Lý Tố tiếp quản Ngụy Bác, Lưu Ngộ đổi sang làm tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[19], con trai Hoằng Chánh là Điền Bố được phong làm Tiết độ sứ Hà Dương[20]. Đại thần Dương Nguyên Khanh ra sức can ngăn việc này, nhưng vua và các tể tướng đều để ngoài tai[21].

Điền Hoằng Chánh trước kia từng tham gia thảo phạt Thành Đức, do đó khi dời đến trấn này, ông lo sợ quân sĩ ở đây oán hận và chống lại mình, do đó đem 2000 binh từ đất Ngụy theo để hộ vệ. Ngày 26 tháng 11 ÂL, ông đặt chân tới Trấn châu. Lúc đó triều đình đã định ban cho chư quân ở Trấn châu 100 vạn nhưng số tiền ấy không tới, trong quân bàn tán xôn xao. Hoằng Chánh đích thân phủ dụ, nhân tình mới yên. Sau đó ông xin triều đình chấp nhận cho 2000 quân Ngụy ở đất Triệu và phát lương bổng cho họ. Dâng biểu bốn lần đều bị hữu ti giấu giếm, không tới được tai Mục Tông. Do không đủ chi phí nuôi quân nên đến giữa năm 821, ông phải để 2000 quân này trở về Ngụy Bác[21].

Trong khi đó Điền Hoằng Chánh lại không được lòng quân sĩ ở Thành Đức. Do gia quyến của ông ở hai kinh Trường An, Lạc Dương rất nhiều, nên ngay từ lúc ở Ngụy và bây giờ là ở Triệu; ông đều ăn bớt tiền trong phủ khố để chu cấp cho thân thuộc; do đó quân sĩ ở hai trấn đều rất bực. Cộng thêm việc số tiền 100 vạn không tới, quân sĩ chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng, cho rằng Hoằng Chánh ăn mất số đó đi. Đô tri binh sử Vương Đình Thấu là người có dã tâm, đã khéo léo kích động sự tức giận của binh sĩ đất Triệu đối với Điền Hoằng Chánh, chuẩn bị làm phản. Đình Thấu lên kế hoạch tiến hành đại sự ngay sau khi 2000 quân Ngụy Bác rút đi[21].

Đêm ngày 29 tháng 8 năm 821 (tức ngày 28 tháng 7 năm nguyên niên Trường Khánh), Vương Đình Thấu cùng với binh sĩ dưới quyền kéo đến phủ đệ của Điền Hoằng Chánh, sau đó xông vào sát hại ông cùng với gia thuộc ở đất Triệu và thân tín, tham tá, tổng cộng hơn 300 người[21]. Năm đó ông được 58 tuổi. Có ba con là Bố, Quần, Mưu.

Nhà Vua nghe tin Hoằng Chánh bị hại, rất thương xót, truy tặng là Thái úy, ban thụy Trung Mẫn. Sau đó nhà Đường cử Ngưu Nguyên Dực làm Tiết độ sứ đem quân thảo phạt Vương Đình Thấu nhưng thất bại, rốt cục phải công nhận họ Vương là người nắm quyền ở Triệu. Mục Tông còn hạ lệnh cho Đình Thấu trả lại thi thể của ông, nhưng Đình Thấu không nghe.